[dựa theo Hiến chương của phong trào Hướng đạo thế giới]
1. Định nghĩa:
Phong trào Hướng đạo (Scout Movement) là một phong trào giáo dục phi chính trị và tự nguyện dành cho giới trẻ, không phân biệt giới tính, nòi giống hay tôn giáo tín ngưỡng, theo đúng mục đích, nguyên lý và phương pháp mà người sáng lập đã đề ra.
2. Mục đích:
Mục đích của phong trào Hướng đạo là góp phần phát triển cá nhân người trẻ nhằm đạt được trọn vẹn tiềm năng thể chất, trí tuệ, xã hội và tâm linh, trở thành những công dân có trách nhiệm, với tư cách là những thành viên của cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.
3. Nguyên lý:
Phong trào Hướng đạo đặt nền tảng trên những nguyên lý sau:
- Bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh: Tôn trọng triệt để các nguyên tắc tâm linh, trung thành với tín ngưỡng / tôn giáo, và thực thi các bổn phận đối với tín ngưỡng/tôn giáo.
- Bổn phận đối với tha nhân: Trung thành với quốc gia nhưng vẫn tích cực thúc đẩy hòa bình, cảm thông và hợp tác của địa phương, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, tham gia vào việc phát triển xã hội, nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của đồng loại, cũng như tính toàn vẹn của thế giới tự nhiên.
- Bổn phận đối với bản thân: Chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính bản thân.
4. Phương pháp:
Phong trào Hướng đạo thành công trong việc giáo dục thanh thiếu niên là nhờ có được sự cộng tác chân thành của các em, khơi nguồn và phát huy mọi khả năng của các em mà không phải dồn ép, đè nén.
Để giáo dục các em, phong trào Hướng đạo dựa trên năm phương pháp sau:
- Dựa trên Lời hứa và Luật Hướng đạo: Lời Hứa và Luật vừa là công cụ, vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của toàn bộ chuơng trình giáo dục Hướng đạo. Các em tự nguvện cam kết tuân theo Lời hứa và Luật để chính thức trở thành một thành viên trong phong trào. Đây là một quy tắc danh dự, được các Huynh trưởng luôn nhắc nhở để các em cố gắng noi theo.
- Dùng phương pháp Hàng đội: Là phương pháp đặc thù của Hướng đạo. Các em được tổ chức theo từng nhóm nhỏ để học cách tự quản trị, tự tổ chức huấn luyện, cùng theo dõi sự học tập của nhau. Phát huy óc sáng tạo, khả năng lãnh đạo, tinh thần đồng đội...
- Học bằng thực hành: Đây là sự khác biệt lớn so với phưong pháp giáo dục Cổ điển của nhà trường, các Hướng đạo sinh học hỏi trong khi thực hiện những công việc mà mình ưa thích bằng những trò chơi, bằng cách quan sát, thí nghiệm, tiếp xúc với thực tế... mỗi hoạt động trong Hướng đạò đều nhằm đạt tới một mục tiêu rõ rệt
- Chương trình tiệm tiến và hấp dẫn: Chương trình sinh hoạt đa dạng, đi từ dễ tới khó, dựa theo sở thích của đoàn sinh như: Trò chơi, bài hát, kỹ năng chuyên môn, cắm trại, xuất du, công tác giúp ích cộng đồng... Chương trình sinh hoạt cũng được soạn riêng cho từng ngành, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi các em.
- Sinh hoạt ngoài thiên nhiên: Mọi sinh hoạt phần lớn đều diễn ra ở ngoài thiên nhiên. Ngoài việc giúp cho các em thoải mái, thư giãn, thoát khỏi khung cảnh tù túng quen thuộc, còn giúp cho việc rèn luyện một cơ thể khoè mạnh, một tinh thần linh hoạt, một trí tuệ phát triển. Kích thích khả năng sáng tạo, óc tháo vát khi đương đầu với những thử thách trở ngại. Sinh hoạt ngoài thiên nhiên còn làm cho tâm hồn con người hướng thượng, cao đẹp.
------------------------------------
------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét